Loading...

Chứng minh tài sản riêng khi ly hôn

Thứ bảy - 01/12/2018 11:21

Câu hỏi:

Xin chào luật sư. Tôi và chồng kết hôn năm 2010, cả hai đều có thu nhập ổn định. Trước khi cưới chồng tôi được cha mẹ ruột cho 1 căn hộ chung cư giá rẻ đứng tên chồng tôi, sau khi cưới vợ chồng tôi cùng sống chung trong căn nhà này.

Một thời gian sau căn hộ xuống cấp nghiêm trọng nên vợ chồng tôi đã tu sửa lại bằng số tiền dành dụm của hai vợ chồng tổng cộng là 500 triệu đồng. Hiện chúng tôi có 2 đứa con, con gái lớn 6 tuổi và bé trai 20 tháng tuổi. Do bất đồng trong cuộc sống và mâu thuẫn trong giáo dục con cái nên chúng tôi quyết định ly hôn. Khi giải quyết tài sản sau ly hôn chồng tôi đòi lại căn hộ vì anh ấy nói rằng đó là nhà cha mẹ anh ấy cho riêng anh ấy nên tôi không có quyền lợi gì với căn hộđó cả. Còn về con cái thì anh ấy giành nuôi con trai 20 tháng tuổi của tôi vì anh ấy nói rằng con trai là phải theo cha. Tôi không đồng ý với cách giải quyết của anh ấy nhưng không hiểu nhiều về luật pháp nên nhờ luật sư tư vấn giúp. Tôi xin chân thành cảm ơn.
 

Luật sư trả lời

1. Cơ sở pháp lý:

Luật Hôn nhân và gia đình 2014

2. Nội dung tư vấn:

Thứ nhất, theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình, về vấn đề tài sản của vợ, chồng khi ly hôn như sau:

Điều 33 quy định về tài sản chung của vợ chồng:

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.

Theo quy định này, tài sản vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân được cho là tài sản chung của vợ, chồng. Trường hợp muốn xác định tài sản là tài sản riêng thì phải chứng minh.

Điều 43 quy định về tài sản riêng của vợ, chồng như sau:

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Việc chia tài sản của vợ chồng giải quyết như sau:

– Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

– Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

– Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây:

+ Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;

+ Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập;

+ Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;

+ Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

– Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

– Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

– Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Như vậy, trong trường hợp của bạn, ngôi nhà mà gia đình bạn đang sống là do chồng bạn được tặng từ bố, mẹ chồng trước khi kết hôn và hiện vẫn đang đứng tê chồng bạn, do đó, căn cứ quy định trên, ngôi nhà đó sẽ thuộc tài sản riêng của chồng bạn khi ly hôn. Tuy nhiên, ngôi nhà đó sau một thời gian đã xuống cấp và được tu sửa lại bằng số tiền dành dụm của hai vợ chồng tổng cộng là 500 triệu đồng. Nên phần giá trị ngôi nhà đã được tu sửa trong thời kỳ hôn nhân được tính là tài sản chung của gia đình, nhưng trong trường hợp này bạn phải chứng minh được công sức đóng góp của mình vào việc tu sửa ngôi nhà đó, cụ thể là chứng minh được bạn góp tiền của mình vào việc sửa chữa căn nhà, và nhờ vào việc tu sửa đó mà giá trị ngôi nhà đó tăng lên. Khi xác định được công sức đóng góp của bạn vào ngôi nhà thì khi ly hôn bạn có quyền được chia phần giá trị đã tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân. Theo đó, ngôi nhà vì là tài sản riêng của chồng bạn nên ngôi nhà đó sau ly hôn vẫn thuộc sở hữu của chồng bạn, nhưng chồng bạn phải thanh toán cho bạn phần giá trị bạn đã đóng góp vào việc tu sửa ngôi nhà.

Thứ hai, về quyền nuôi con sau khi ly hôn được giải quyết như sau:

Tại Điều 81 quy định:

– Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

– Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

– Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

Căn cứ quy định trên, trong trường hợp của bạn, bạn có một bé gái 6 tuổi và một bé trai 20 tháng tuổi thì đối với bé 20 tháng tuổi sẽ giao cho mẹ trực tiếp nuôi, còn đối với bé gái 6 tuổi thì quyền nuôi con của cha và mẹ là ngang nhau. Nếu hai vợ, chồng không thỏa thuận được người nuôi con thì yêu cầu Tòa án giải quyết, và khi đó Toà án sẽ căn cứ vào các yếu tố như: điều kiện kinh tế ( thu nhập, tài sản,..); môi trường sống; đặc điểm gia đình, truyền thống giáo dục; quỹ thời gian dành cho con của mỗi người,….để quyết định giao con cho ai trực tiếp nuôi sau khi ly hôn. Và muốn dành quyền nuôi con thì bạn phải chứng minh được điều kiện của mình tốt hơn chồng để đảm bảo chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Tổng số điểm của bài viết là: 25 trong 5 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 5 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây